Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (doanh nghiệp SME) chiếm trên 98%. Những năm qua, khu vực doanh nghiệp SME đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong việc tạo công ăn việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Mặc dù đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp SME với số lượng doanh nghiệp lớn, song quy mô doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tỉ lệ cao, số doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6% trong tổng số doanh nghiệp SME. Bên cạnh đó, hoạt động của khu vực doanh nghiệp này cũng gặp nhiều khó khăn, đơn cử như trình độ đội ngũ quản lý, lãnh đạo của doanh nghiệp còn hạn chế, khả năng tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư vào máy móc, công nghệ hiện đại, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh chưa cao; thiếu kinh nghiệm quản trị điều hành; khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường ngay trên thị trường nội địa,…
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, Chính phủ đã ban hành Luật hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong đó có nội dung quy định các Bộ, cơ quan ngang Bộ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn cho DNNVV (gọi tắt là mạng lưới tư vấn viên); Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 16 tháng 8 năm 2021 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV (gọi tắt là Nghị định số 80/2021/NĐ-CP) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT ngày 10/5/2022 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 80/2021/NĐ-CP (gọi tắt là Thông tư số 06/2022/TT-BKHĐT), cụ thể hóa các quy định liên quan tới tư vấn viên và mạng lưới tư vấn viên.
Theo đó, mạng lưới tư vấn viên hỗ trợ DNNVV bao gồm các chuyên gia tư vấn có năng lực và giàu kinh nghiệm tư vấn trong các lĩnh vực nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản lý nội bộ,…và tư vấn viên thuộc các ngành của Bộ và cơ quan ngang Bộ, trong đó mạng lưới tư vấn viên ngành Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung tư vấn vào 6 lĩnh vực: thành lập và vận hành doanh nghiệp; quản trị và phát triển doanh nghiệp; chuyển đổi số cho doanh nghiệp; đầu tư; đấu thầu và tiếp cận tài chính. Và các chuyên gia tư vấn hỗ trợ DNNVV thuộc địa bàn tỉnh có năng lực, kinh nghiệm tư vấn trong các lĩnh vực nhân sự, tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản lý nội bộ,…
Các cá nhân, tổ chức đăng ký tham gia Mạng lưới tư vấn viên nộp Hồ sơ trực tuyến tại Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ DNNVV (địa chỉ https://www.business.gov.vn) hoặc nộp trực tiếp tại Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trên cơ sở thông tin về mạng lưới tư vấn viên đăng tải tại Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ DNNVV, trang thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, DNNVV có nhu cầu tư vấn, có thể lựa chọn, tiếp cận, thương thảo, ký kết biên bản thỏa thuận dịch vụ tư vấn với cá nhân, tổ chức thuộc mạng lưới tư vấn viên nêu trên.
Các cá nhân, tổ chức tham gia mạng lưới tư vấn viên sẽ được ưu tiên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo ngắn hạn và dài hạn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng về các lĩnh vực tư vấn theo nhu cầu của tư vấn viên và phù hợp với mục tiêu phát triển của mạng lưới tư vấn viên. Đồng thời, cá nhân, tổ chức thuộc mạng lưới tư vấn viên sẽ được ưu tiên giới thiệu tham gia cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV theo các chương trình hỗ trợ sử dụng ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức tham gia mạng lưới tư vấn viên có nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành về cung cấp dịch vụ tư vấn, thực hiện hợp đồng tư vấn quy định tại Điều 27 Luật Hỗ trợ DNNVV. Định kỳ 06 tháng cập nhật các thông tin về năng lực, kinh nghiệp và các hợp đồng tư vấn đã thực hiện cho DNNVV lên Cổng thông tin quốc gia hỗ trợ DNNVV. Chấp hành quy định của pháp luật trong thực hiện tư vấn, không có hành vi trục lợi khi thực hiện tư vấn và không tư vấn doanh nghiệp thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật./.